- Số người online: 6
- Hôm nay: 231
- Hôm qua: 1749
- Trong tháng: 25473
Thu mua Phế liệu đổ đống gây ô nhiễm
Huyện Việt Yên là địa phương có nhiều điểm thu mua phế liệu trong tỉnh. Ở các xã: Quang Châu, Hồng Thái, Tăng Tiến, Vân Trung, Tiên Sơn… dễ dàng bắt gặp các bãi phế liệu nằm ven đường hoặc trong khu dân cư. Tại các cơ sở này dường như lúc nào cũng đầy ắp các “mặt hàng” phế liệu từ bìa cát tông, ống nước, bình gas, ti-vi, quạt điện, thùng xốp đến lỉnh kỉnh chai lọ các loại, giấy báo, sắt vụn, thậm chí có cả chất thải nguy hại là các loại thùng chứa dầu, nhớt, ắc quy… chất đống lộn xộn.
Minh chứng là ven tỉnh lộ 295B, đoạn qua địa bàn thôn Hùng Lãm 3, cơ sở của nhà ông Nguyễn Văn Quyền ngoài chất phế liệu trong kho còn để tràn lên vỉa hè. Cách đó không xa, điểm thu mua phế liệu của gia đình chị Trần Thị Thúy (cùng thôn) cũng tập kết ngổn ngang các loại phế liệu. Đáng lo ngại cả hai cơ sở này đều chưa có thủ tục về môi trường. Trong khi đó phế liệu đổ đống cả ngoài trời, ngày nắng thì bụi bay tứ tung, còn ngày mưa, nước có lẫn các loại chất thải khác nhau, kể cả chất thải nguy hại sẽ ngấm xuống đất, gây ô nhiễm. Đến nay, huyện Việt Yên có 18/60 điểm kinh doanh phế liệu có thủ tục về môi trường, còn lại “bỏ trắng”.
Tương tự, ven hai bên quốc lộ 17 lần lượt qua địa bàn xã Song Mai (TP Bắc Giang), xã Quế Nham (Tân Yên) có bãi phế liệu của nhà ông Thiện và bà Dung. Những cơ sở này cũng chưa có kế hoạch BVMT theo quy định. Bãi tập kết không mái che, phế liệu đổ đống ngổn ngang đủ loại: Bao bì, giấy, sắt, thép han gỉ, thùng xô nhựa, đồ điện tử cũ, thùng xốp... Do diện tích đất hạn hẹp nên chủ nhiều cơ sở tận dụng đất trống dọc hai bên đường tập kết hàng. Khổ cho nhiều hộ dân sống gần các điểm thu mua phê liệu này thường xuyên phải hứng chịu bụi, mùi hôi hám từ chất thải.
Tại các huyện: Hiệp Hòa, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng… cũng có nhiều hộ kinh doanh phế liệu tự phát, không lập kế hoạch BVMT. Theo số liệu rà soát chưa đầy đủ của các huyện, TP, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 điểm thu mua phế liệu song mới có khoảng 1/3 cơ sở lập kế hoạch BVMT.
Rà soát, xử lý nghiêm vi phạm địa điểm thu mua phế liệu
Việc chủ địa điểm thu mua phế liệu không lập kế hoạch bảo vệ môi trường đã đi vào hoạt động là vi phạm pháp luật về lĩnh vực này. Thực trạng trên khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, đó là chưa kể tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, thiệt hại về kinh tế và đe dọa tính mạng người dân.
Được biết, trách nhiệm quản lý các địa điểm thu mua phế liệu đồng nát thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã và cấp huyện. Các xã, phường, thị trấn, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) các huyện, TP có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các chủ cơ sở kinh doanh lập kế hoạch BVMT trình UBND cấp huyện xác nhận trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều nơi còn buông lỏng khiến nhiều cơ sở hình thành tự phát, gây ô nhiễm nhưng chưa bị xử lý, buộc giải tỏa.
Ví như ở xã Hồng Thái (Việt Yên), điểm thu mua của hộ bà Trần Thị Thúy, thôn Hùng Lãm 3 đi vào hoạt động khá lâu song đến giữa tháng 12 năm nay, chính quyền xã mới tổ chức kiểm tra, phát hiện hộ này không có thủ tục về môi trường, phòng cháy chữa cháy. Tình trạng trên còn xảy ra tại một số xã của huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa…
Mặt khác, nhiều xã, thị trấn dù biết điểm kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm, lấn vỉa hè nhưng không xử phạt vi phạm hành chính, kiên quyết yêu cầu di dời, tạo tiền lệ xấu. Nhiều chủ cơ sở do không muốn tốn kém kinh phí lập và thực hiện các giải pháp BVMT theo kế hoạch đã phớt lờ quy định.
Thu mua phế liệu góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều người dân, ở khía cạnh khác còn làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên song những điểm hình thành tự phát, không tuân thủ các quy định về môi trường lại trở thành điểm gây ô nhiễm.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Vũ Văn Tưởng cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện, TP tăng cường quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Trên cơ sở danh sách rà soát, Sở TN&MT đề nghị các địa phương yêu cầu các chủ cơ sở chấp hành nghiêm quy định về môi trường, bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ.
Cùng các giải pháp trên, UBND các huyện, TP kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các điểm thu mua phế liệu sắt . Đồng thời yêu cầu các cơ sở này ký cam kết, lập kế hoạch BVMT và đầu tư đầy đủ trang thiết bị xử lý nước thải, rác thải theo quy định không để tác động xấu đến môi trường; xử phạt nghiêm tổ chức, cá nhân kinh doanh không có giấy phép, thiếu thủ tục về môi trường, vi phạm về đất đai, giải tỏa phế liệu tập kết sai quy định gắn với hậu kiểm. Chỉ xem xét cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở phế liệu khi đã hoàn thiện đúng thủ tục về môi trường.
- Số người online: 6
- Hôm nay: 231
- Hôm qua: 1749
- Trong tháng: 25473